Đọc các bác nhà văn viết về sự đọc và viết thật thú vị.
Ví dụ như:
Haruki Murakami với “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”, kể về thói quen chạy bộ bền bỉ song hành nghiệp viết của ông.
Marguerite Duras với “Viết”, nơi tác giả tỏ bày đam mê văn chương cháy bỏng: “tôi chưa từng viết một cuốn sách nào mà trong khi viết tôi không cảm thấy nó là một lẽ sống.”
Frédéric Beigbeder với “Một tiểu thuyết Pháp” và phát hiện thú vị: “viết, chính là tìm lại trí nhớ” (mình đã có một trải nghiệm cá nhân tương tự: nhờ viết sách mà nhớ ra được rất nhiều điều thú vị mà trí nhớ cá vàng của mình tưởng đã lãng quên).
Orhan Pamuk với “Những màu khác”: tác giả bình luận sách thì có thể thú vị đến thế nào?
Và mới xuất bản gần đây có “Ngôn từ” của Jean-Paul Sartre.
Hóa ra cuốn sách này không khó đọc như mình tưởng. Không như quyển “Buồn nôn” – tác phẩm trứ danh mà mình mất… vài năm vẫn chưa đọc xong. =)))) Không những không khó đọc mà cuốn sách này thực ra còn rất cuốn hút nữa, dù vẫn đầy tính triết lý và ngồn ngộn ý tưởng kiểu Sartre. Bìa sách thì đẹp phát hờn. Nhã Nam có nhiều bìa sách đẹp nhưng mình phải công nhận đây là cái bìa sách đẹp nhất, ấn tượng nhất của Nhã Nam năm nay. Hai chữ “ngôn từ” được in bóng ấn tượng, như làm toát lên phong cách tinh nghịch và phá cách của chính tác giả vậy.
“Chết không phải là tất cả, nhưng phải chết đúng lúc.” Bác Sartre nói chí phải nhỉ?